Vụ giàn khoan HD981 (phần 2)

Go down

Vụ giàn khoan HD981 (phần 2) Empty Vụ giàn khoan HD981 (phần 2)

Bài gửi by Admin Sat Apr 11, 2015 3:40 pm

3/Quan điểm và giải quyết cấp nhà nước
Ngoại giao
Phía Trung Quốc
Trong các ngày 2 và 4 tháng 5 năm 2014, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã triệu kiến Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ và điện đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn nhằm phản đối "sự can nhiễu phi pháp của Việt Nam đối với doanh nghiệp Trung Quốc đang tác nghiệp tại vùng biển của quần đảo Tây Sa".

Ngày 8 tháng 5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình phát biểu "Tôi không nghĩ đây là một cuộc xung đột". Ông cho rằng hành động của phía Trung Quốc là để "bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích cốt lõi" và để "thể hiện lập trường của phía Trung Quốc". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng hai bên Trung-Việt có thể duy trì tiền đề hợp tác hữu hảo giữa hai nước và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.

Cũng ngày 8 tháng 5, trong buổi họp báo quốc tế, Phó Tổng vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương tố cáo Việt Nam huy động 35 tàu các loại và chủ động đâm tàu Trung Quốc 171 lần trong năm ngày từ 3 đến 7 tháng 5. Cũng theo Trung Quốc, Việt Nam đưa cả tàu có vũ trang đến trong khi các tàu của Trung Quốc chỉ là tàu dân sự thực thi công vụ và tác nghiệp. Trung Quốc còn tuyên bố phát hiện người nhái của Việt Nam và các lưới đánh cá, chướng ngại vật do Việt Nam thả.

Ngày 14 tháng 5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho báo giới biết, trong cuộc nói chuyện giữa Bộ trưởng Vương Nghị và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa, ông Vương nhắc lại rằng doanh nghiệp Trung Quốc đang tác nghiệp bình thường tại vùng biển của quần đảo Hoàng Sa, và công việc đã bắt đầu từ 10 năm trước. Việt Nam đang xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, vi phạm hàng loạt thỏa thuận quốc tế về an toàn hàng hải, ảnh hưởng tiêu cực lên hòa bình và ổn định ở biển Đông. Ông cũng nói rằng phía Trung Quốc hối thúc Việt Nam bình tĩnh, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và không cố phức tạp hóa và khuếch đại hóa vấn đề.

Theo Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc, trước các sự kiện bạo lực gây tổn thất về tài sản và tính mạng của một số doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, trong đó có của Trung Quốc, tối ngày 15 tháng 5 năm 2014, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã "thay mặt Chính phủ Trung Quốc lên án mạnh mẽ phía Việt Nam, và đưa ra kháng nghị nghiêm khắc.".

Trong ngày 22 tháng 5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn đưa ra quan điểm như trước yêu cầu phía Việt Nam chấm dứt các hình thức can thiệp công việc của Trung Quốc, trừng phạt tội phạm bạo lực, yêu cầu bồi thường thiệt hại và bảo đảm an toàn cho tổ chức và cá nhân người Trung Quốc.

Theo thông tấn xã Reuters, đáp trả cuộc họp báo quốc tế của Bộ ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội vào ngày 23 tháng 5, trong cuộc họp báo ngày 26/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ: " cuộc họp báo của Việt Nam là hết sức lố bịch.", bởi vì "Quần đảo Tây Sa [tức Hoàng Sa] là lãnh thổ không thể tranh cãi của Trung Quốc." Ông ta đã lên án Việt Nam "bóp méo lịch sử, bác bỏ sự thật, tự mâu thuẫn mình và phản bội ngôn từ của chính mình".

Ngày 9/6/2014, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Vương Minh đã gửi thư bày tỏ lập trường của nhà nước Trung Quốc về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông đến Tổng thư ký Ban Ki-moon và yêu cầu ông Ban Ki-moon cho lưu hành đến tất cả 193 quốc gia thành viên của Đại hội đồng. Văn bản lên án các hành động của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, đe dọa nghiêm trọng đến các công dân Trung Quốc đang làm việc trên giàn khoan và vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đồng thời đưa ra nhiều dẫn chứng chứng minh quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc mà không có bất kỳ tranh chấp nào.

Ngày 18/6/2014, ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Hà Nội và có cuộc gặp với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam, đồng ý với Việt Nam rằng hai bên cần sớm ổn định tình hình trên biển, kiềm chế không để xảy ra xung đột, không để quan hệ hai nước xấu đi, cùng nhau nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, đàm phán giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, mong muốn giữ gìn, củng cố và không ngừng làm cho quan hệ Việt-Trung phát triển. Ông cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến nay tác động rất tiêu cực đối với nhân dân Việt Nam, quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực. Ông khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi; đề nghị khẩn trương trao đổi để có các giải pháp sớm ổn định tình hình, tạo tiền đề cho các giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ lợi ích của hai nước, trên cơ sở các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế.

Phía Việt Nam
Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia Trần Duy Hải tiết lộ sau khi nhận tin về giàn khoan Hải Dương 981 được đưa vào vùng thềm lục địa Việt Nam, Hà Nội đã có tám cuộc làm việc với Trung Quốc, sáu cuộc gặp trực tiếp tại Hà Nội và Bắc Kinh.

Việt Nam đã triệu Đại biện sứ quán Trung Quốc lên trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan và tàu hộ vệ.

Ngày 12 tháng 5, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh mời Tổng lãnh sự Trung Quốc Sài Văn Duệ đến để phản đối việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 và một lượng lớn tàu các loại, trong đó có tàu quân sự và nhiều lượt máy bay trinh sát, quân sự hoạt động hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Ngày 11 tháng 5 tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu đi vào vùng biển Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. Tuy nhiên tuyên bố kết thúc hội nghị của Asean không phê phán nước nào mà chỉ kêu gọi "tất cả các bên thực hiện kiềm chế và không sử dụng vũ lực, cũng như không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng và sớm đạt được COC như đã được thể hiện trong Tuyên bố 6 điểm về biển Đông".

Ngày 13 đến 15 tháng 5, thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã đến Bắc Kinh để "trao đổi thẳng thắn các vấn đề giữa hai nước".

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14 tháng 5 ra thông báo Hội nghị Trung ương 9 trong đó có đoạn: Ban Chấp hành Trung ương theo dõi sát tình hình, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta và khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước....

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, cho đến ngày 20 tháng 05 năm 2014, Việt Nam và Trung Quốc đã có 20 cuộc điện đàm về Vụ giàn khoan Hải Dương 981 trong đó Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vị trí tranh chấp.

Quốc hội Việt Nam ngày 21 tháng 5 ra thông cáo "nhất trí cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước". Ngày 15 tháng 5 người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc và ngày 20 tháng 5 phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève đã gửi thông cáo đến Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Genève, về sự kiện "Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông"

Bộ Chính trị chỉ đạo phải tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hoà bình, đúng theo luật pháp quốc tế. Riêng về giải pháp đấu tranh pháp lý, thời điểm nào hợp lý thì Bộ Chính trị sẽ quyết định, theo thông tin từ phiên họp Chính phủ cuối tháng 5.

Ngày 31/5/2014, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối việc Bắc Kinh không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong công hàm này, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13, ngày 31/5/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh phát biểu: "Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam... Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt-Trung, giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông... Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo... mà chỉ dùng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền, không chủ động đâm va, không phun vòi rồng vào các tàu của Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước... Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát. Quân đội hai nước phải thể hiện vai trò tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước xử lý thỏa đáng vấn đề một cách bình tĩnh, kiên trì, để không xảy ra xung đột, càng không để xảy ra chiến tranh... Chúng tôi hy vọng vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, các mâu thuẫn, bất đồng sẽ từng bước được giải quyết, duy trì được sự ổn định và phát triển ở khu vực, đóng góp chung cho môi trường hòa bình của thế giới."

Ngày 5/6/2014, Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh cơ quan Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve, Thụy Sĩ, gửi công hàm cho phái đoàn đại diện thường trực các nước tại Geneve cùng các tổ chức quốc tế đóng tại Thụy Sĩ để cập nhật tình hình vụ Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương-981 và các hoạt động của tàu thuyền nước này tại khu vực đang có tranh chấp, bác bỏ những quan điểm trong công hàm mà phái đoàn Trung Quốc gửi cho các tổ chức quốc tế và phái đoàn đại diện thường trực các nước tại Geneve ngày 2/6. Phái đoàn Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và bác bỏ hoàn toàn đòi hỏi chủ quyền không có cơ sở pháp lý của phía Trung Quốc đối với quần đảo này. Công hàm cho rằng việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 và các hoạt động gây hấn của phía Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực.

Ngày 6/6/2014, Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc tiếp tục gửi thư lên Tổng Thư ký Ban Ki-moon, kèm theo Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối việc Trung Quốc tiếp tục duy trì giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou - 981) và các tàu hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như các thỏa thuận liên quan khác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Công hàm khẳng định Việt Nam đã nỗ lực trao đổi, đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức và ở các cấp khác nhau để yêu cầu nước này chấm dứt các hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không những không đáp ứng những đề nghị đó, mà còn di chuyển giàn khoan và các tàu hộ tống sang một vị trí khác vẫn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không để tái diễn hành vi tương tự. Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp trên biển, trong đó có việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, thông qua đàm phán hoặc các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982. Đại sứ Lê Hoài Trung đề nghị ông Ban Ki-moon cho lưu hành công hàm như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, gửi đến tất cả các nước thành viên.

Ngày 10/6/2014, tại Đối thoại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Mỹ lần thứ 27 diễn ra tại Yangon, Myanmar, Việt Nam tố cáo Trung Quốc hạ đặt giàn khoan và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc liên tục gây hấn, cố tình đâm húc, gây hư hại các tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển, tàu cá của ngư dân Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC). Phái đoàn Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm nêu trên, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình, song kiên trì đối thoại và sử dụng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế

Ngày 13/6/2014, tại Hội nghị lần thứ 24 các quốc gia thành viên UNCLOS diễn ra từ ngày 9/6 đến 13/6 tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc, Đại sứ Lê Hoài Trung, trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể hội nghị chỉ ra rằng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một "diễn biến nghiêm trọng" trên Biển Đông. Trong phần thảo luận, phái đoàn Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, chỉ ra tính bất hợp pháp của việc hạ đặt giàn khoan trái phép, đồng thời bác bỏ những quan điểm của Trung Quốc.

Quân sự, lực lượng chấp pháp và hậu cần
Tình hình đến ngày 13 tháng 5:

       Việt Nam: 29 tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư.
       Trung Quốc: 86 tàu, và máy bay. Trong số đó, có các loại tàu: tàu quân sự; tàu Hải cảnh; tàu Hải giám; tàu Hải tuần; tàu Ngư chính; tàu Kéo cứu hộ; tàu vận tải; tàu dầu và tàu cỏ vỏ sắt; bao gồm tàu Hộ vệ tên lửa số hiệu 534; tàu tên lửa tấn công nhanh mang số hiệu 752, 753, 754; và tàu tuần tiễu săn ngầm mang số hiệu 786, tàu Hải giám 7028, tàu Hải cảnh 46001.
Các tàu Trung Quốc vây thành vòng bảo vệ giàn khoan hoạt động. Các tàu Việt Nam chạy vòng vòng bên ngoài. Thỉnh thoảng có đấu vòi rồng (phun nước áp suất mạnh) và va chạm. Cả hai bên đều tố cáo bên kia cố tình đâm húc tàu của mình nhiều lần.

Phần 3 Vụ giàn khoan HD981 : https://khoahocxahoi.forumvi.com/t269-topic#416

Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 183
Join date : 13/10/2014

https://khoahocxahoi.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết